Sơ đồ được sử dụng rộng rãi nhất ở các đội tuyển quốc gia và những CLB hàng đầu Châu Âu trong suốt thập kỉ qua chính là 4-2-3-1. Ở Champion League (C1), ngoại trừ Barcelona (2011) và Manchester United (2008), tất cả đội bóng vào đến chung kết những năm gần đây đều sử dụng sơ đồ này. Inter 2010, Chelsea 2012 hay Bayern Munich 2013, họ đều là những đội bóng sử dụng 4-2-3-1 theo cách riêng của mình và đoạt chức vô địch.
- Quá trình hình thành và phát triển
Xu hướng sử dụng tiền đạo thứ hai trở thành một chân kiến tạo (playmaker – từ đây về sau sẽ gọi tắt là CAM) xuất phát từ world cup 1986, và ví dụ điển hình nhất chính là Maradona. Càng về sau, càng có nhiều đội bóng sử dụng chiến thuật này, và thế là 4-2-3-1 ra đời. Những đội bóng này dùng một tiền vệ dâng cao để hỗ trợ cho CAM, cùng với 1 tiền đạo cắm phía trên thường xuyên di chuyển ra khoảng trống ở cánh để thu hút, khiến cho khu trung tuyến trở nên trống trải. Để khắc phục, họ sử dụng một tiền vệ thu hồi bóng nữa, và khái niệm Double Pivot ra đời. Thời gian trôi đi, nhiều người dần nhận ra tầm quan trọng của việc kiểm soát bóng ở khu trung tuyến, cho nên càng nhiều đội chuyển sang dùng 4-2-3-1. Dĩ nhiên là mỗi đội bóng và các HLV khác nhau thì họ có những biến thể khác nhau phù hợp với mình.
- Double Pivot là gì?
Sự hiệu quả và chặt chẽ của Double Pivot khiến cho nó trở thành yếu tố sống còn trong bóng đá hiện đại. Double Pivot chính là việc sử dụng 2 tiền vệ thu hồi bóng chơi phía trước hàng hậu vệ. Thường thường 1 người sẽ có sự sáng tạo hơn người còn lại, và được gọi là Deep-lying playmaker (tiền vệ kiến thiết, tiền vệ phát động tấn công v.v…). Cả 4 đội bóng lọt vào bán kết World Cup 2010 đều sử dụng Double Pivot. Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan dùng đội hình 4-2-3-1 có sự điều chỉnh, trong khi Uruguay sử dụng 4-4-2 truyền thống (về lý thuyết là vậy). Tuy nhiên khác với 4-4-2 thông thường, khi mà hai tiền vệ trung tâm (Center Midfielder) được chơi tự do hơn, ở Uruguay, hai cầu thủ này thường phải giữ nguyên vị trí, không được tham gia tấn công, tạo thành một cặp đôi Double Pivot. Những Double Pivot (hay các cầu thủ tương tự) thường là người kiểm soát tốc độ trận đấu, ngoài ra, cặp cầu thủ này còn ảnh hưởng rất lớn đến lối chơi của toàn đội. Lấy ví dụ, nếu bạn chọn cặp đôi Busquet, Alonso giống như Tây Ban Nha, bạn sẽ là đội kiểm soát bóng vượt trội. Hay như Đức, với cặp đôi Sami Khedira-đầy năng lượng và Bastion Schweinsteiger-lối chơi thông minh, nhãn quan tốt, bạn ắt hẳn sẽ dùng những bài phản công sắc bén để xuyên thủng đối phương. Bạn cũng có thể đóng 1 chiếc xe bus 2 tầng trước cầu môn, với cặp tiền vệ De Jong và Van Bommel, như Hà Lan đã làm khi đối đầu với Tây Ban Nha
- CAM (tiền vệ tấn công trung tâm – Center Attacking Midfielder)
CAM thường là những cầu thủ sáng tạo nhất trong đội hình, là cầu nối giữa 2 tuyến và thường phải nhận bóng trong tư thế quay lưng lại với cầu môn. Anh ấy phải đảm bảo sự gắn kết giữa tiền đạo và tiền vệ phòng ngự (hoặc hậu vệ). Ngoài ra, CAM cũng phải là những bậc thầy trong việc tìm khoảng trống vì anh phải thường xuyên đối mặt với những Double Pivot. Thomas Muller, Mesut Ozil hay Toni Kross là những số 10 đẳng cấp thế giới nhưng lại có lối chơi hoàn toàn khác nhau. Muller được biết đến như một Raumdeuter (người tìm khoảng trống) là bậc thầy trong khoảng khai thác những khoảng trống và khả năng “thoắt ẩn thoắt hiện” với đối phương. Ozil lại có kĩ năng về rê dắt và giãn biên, gây khó khăn cho việc kèm cặp. Trong khi đó, Toni Kross lại là hiện thân của những cầu thủ có nhãn quan chiến thuật tốt, những đường chuyền “sát thủ”, lối chơi năng nổ và chăm chỉ. Đây cũng có thể là mẫu tiền vệ tấn công của những năm sắp tới. Bởi vì nếu đối phương sở hữu một Regista hoặc Deep lying playmaker thì mẫu cầu thủ dạng này sẽ phát huy hiệu quả.
Trung vệ, hậu vệ cánh, tiền vệ cánh hay tiền đạo đều có vai trò tương tự như trong sơ đồ chiến thuật 4-4-2. Một số HLV có khuynh hướng sử dụng tiền vệ trung tâm chơi dạt biên, như thế có thể giảm bớt tình trạng quá tải ở khu trung tuyến. Còn tiền đạo có thể là một Target man, false 9 (tiền đạo lùi), hoặc thậm chí là một cầu thủ có thể di chuyển rộng để thu hút, nhường chỗ cho 1 cầu thủ khác xâm nhập vị trí trung tâm.
- Làm thế nào để đối đầu với 4-2-3-1?
Cách tốt nhất để đối đầu với 4-2-3-1 là … chính 4-2-3-1. Tuy nhiên cũng có 1 số cách khác để khắc chế đội hình này. Italy với một hàng tiền vệ hình kim cương đã vô hiệu hóa hoàn toàn các tiền vệ của Đức ở bán kết Euro 2012. Hàng tiền vệ kim cương đã áp đảo khu vực trung lộ khá dễ dàng, và Joachim Loew có một vài sự thay đổi khá lạ để đảo ngược tình huống, nhưng bất thành. 4-3-3 kiểu Barca cũng có thể hữu dụng nếu sử dụng đúng cách. Yếu điểm của 4-3-3 khi đối đầu với 4-2-3-1 là ở 2 cánh. Hai hậu vệ cánh của 4-3-3 rất dễ bị xuyên thủng bởi 2 tiền vệ cánh dâng cao của 4-2-3-1. Để khắc phục điều này cần có một Double Pivot có khả năng lui về hàng phòng ngự, tạo điều kiện cho hai trung vệ đảo ra cánh để hỗ trợ. Busquet dưới thời Pep Guardiola làm khá tốt điều này.
Nguồn: http://www.thefalse9.com/2013/11/foo…the-4-2-3.html
Các bạn có thể xem thêm Phần 1: Sự sụp đổ và lên ngôi của tiền vệ kiến tạo – chính là các Deep lying playmaker hay Regista để hiểu thêm về thăng trầm của vị trí này.
Hay Phần 2: Khó khăn của chiếc áo “số 10” để xem liệu bài viết của cách đây 10 năm về trước có còn phù hợp? Tác giả bài viết kia cho rằng thời của các Advance Playmaker nay đã hết? Còn hiện tại thì sao?
Đây là loạt bài nằm trong series “10 thay đổi của bóng đá hiện đại” do FM-VN lược dịch và biên soạn.